Ông chủ từng có doanh thu khoảng 85 tỷ đồng mỗi năm ngồi khóc khi tự mình bán đi bàn ghế, điện thoại, máy lạnh và tất cả những gì có thể.
Người bạn đã chia sẻ với tôi hơn 10 năm trong ngành, chủ doanh nghiệp lữ hành outbound quy mô khá lớn đã phải bán đổ bán tháo toàn bộ tài sản hồi tháng tám do không chịu nổi áp lực kinh tế. Từ ông chủ với 70 nhân viên, bạn tôi nay đã trắng tay, không còn nhân sự, không còn cơ sở kinh doanh, không còn tiền bạc và mất cả định hướng tương lai. Đã hơn 12 năm làm du lịch, tôi chưa bao giờ thấy nghề lữ hành bạc bẽo đến thế.
Năm 2017, bạn tôi mở công ty outbound chuyên chạy khách ghép lẻ các thị trường quốc tế, nhiều nhất từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Năm 2019, công ty đã có hai văn phòng lớn tại TP HCM, doanh thu lên tới khoảng 85 tỷ đồng mỗi năm. Nhưng đại dịch ập đến, ngành du lịch và anh trở tay không kịp. Tháng tư năm nay, họ đóng cửa một văn phòng. Bạn tôi còn lại 20 người nhưng vẫn cố gắng "uống nước cầm hơi" chờ thời. Đợt dịch thứ hai vào cuối tháng bảy hạ gục họ hoàn toàn. Nhân viên của anh từ biệt sếp, ra đi vì miếng cơm manh áo song vẫn khắc khoải hình bóng vị giám đốc với khuôn mặt đờ đẫn ngồi nhìn người ta khiêng từng món đồ lên xe.
Tôi thoáng thấy hình bóng mình trong câu chuyện của anh. Tôi có công ty làm du lịch với hơn 60 nhân viên, chúng tôi hiện chỉ còn 15 người và rất có thể cũng sẽ phải bỏ cuộc như anh nếu không tìm được mỏ neo lúc này.
Năm 2019, ngành du lịch đóng góp hơn 9,2% vào GDP nền kinh tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt 755 nghìn tỷ đồng, tương đương 32,8 tỷ USD. So sánh với quốc gia có thế mạnh du lịch như Thái Lan, ngành này cũng chỉ đóng góp 15% trong GDP. Danh sách các quốc gia tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới năm 2019 của tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên hợp quốc (UNWTO), Việt Nam đứng thứ bảy. Đó là thành quả sau hàng chục năm thay đổi, sáng tạo và nỗ lực lao động của cả nước. Những con số ấy khiến nhiều người khấp khởi vì du lịch sẽ giúp Việt Nam "sánh vai các cường quốc năm châu", cho tới khi Covid-19 đến.
Thị trường du lịch trước dịch đã phân tầng sâu sắc về chuyên môn và cách vận hành của các công ty, sau Covid càng bị phân hóa sâu sắc với hai nhóm chính: còn hoạt động hoặc không. Khoảng 80% các doanh nghiệp đã đóng cửa hoặc cắt giảm đến 9/10 nguồn lực nhằm tối ưu chi phí nằm chờ thời. Đó là định hướng bất đắc dĩ mà người làm du lịch chúng tôi phải "bảo toàn lực lượng". Chịu ảnh hưởng nhiều nhất là các đơn vị kinh doanh du lịch quốc tế outbound, inbound, đến 95% đã đóng cửa, sa thải toàn bộ nhân viên hoặc chuyển ngành nghề khác. Các doanh nghiệp lữ hành nội địa thì thoi thóp, thi thoảng có ít khách, doanh số theo khảo sát sơ bộ của tôi cao lắm bằng 1/3 năm trước.
Tôi không kể hết tên khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành vì không trả nổi tiền mặt bằng và chi phí cố định phải dời trụ sở về nhà riêng. Đó là chưa kể những trường hợp rơi vào vòng xoáy nợ nần, phải vay nặng lãi. Có những doanh nghiệp lữ hành thường vay mượn, cầm cố tài sản để đặt cọc trước vé máy bay số lượng lớn, vấp vào dịch bệnh, không có khách, không đòi được tiền. Hãng hàng không không trả lại tiền mặt, bảo lưu không cho rút đặt cọc dưới mọi hình thức khiến doanh nghiệp lâm vào cảnh "cám treo mà heo nhịn đói". Rồi lại bão lũ, nguy cơ làn sóng dịch thứ ba vào cuối năm đang rình rập, không mấy ai hăm hở đi chơi như trước nữa.
Giới lữ hành đã gần một năm trông chờ động thái từ chính phủ, gói kích cầu hay chính sách hậu thuẫn cho các doanh nghiệp từng đóng góp hơn 9% vào tăng trưởng. Về tầm nhìn dài hạn, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, du lịch vẫn được xem là ngành kinh tế trọng điểm với Việt Nam bởi các ưu thế đặc biệt. Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn được thực thi mấy năm, nhưng tới 2020 đã im ắng. Các hoạt động của ngành chưa tạo ra kết quả gì đáng kể, có chăng là những hội nghị, hội thảo, kêu gọi chung chung nhưng chưa tạo thành hiệu ứng. Hiệp hội, những tổ chức nghề nghiệp cũng đã trình đề án, đề xuất giải cứu du lịch nhưng vẫn chưa thấy có gì cụ thể và hiệu quả. Bạn tôi bảo chúng tôi có lẽ bị xem như "đứa con rơi của gia đình". Đã hơn tám tháng từ đợt dịch thứ nhất, chúng tôi chưa được nhận chính sách hỗ trợ nào cụ thể cho doanh nghiệp du lịch. Hy vọng cứ tắt dần.
Gần chúng ta nhất, Thái Lan từ tháng năm đã tung ra gói kích cầu du lịch nội địa. Đặc biệt, chính phủ nước này đã phê duyệt hai gói kích thích tổng trị giá 22,4 tỷ Bath (khoảng 723 triệu USD) bắt đầu áp dụng từ tháng bảy. Trong đó, một người dân được hỗ trợ 2.000 Bath (khoảng 1,5 triệu đồng) cho mục đích du lịch nội địa một lần trong năm 2020. Số tiền này được thanh toán cho hãng hàng không và khách sạn. Đến hết tháng 9, Tổng cục Du lịch Thái Lan tạm tính có khoảng 70 triệu chuyến du lịch nội địa, đóng góp 13,3 tỷ USD cho nền kinh tế xứ Chùa Vàng.
Song, cách này không mới, Trung Quốc hơn năm năm qua vẫn kích thích du lịch bằng biện pháp tương tự nhằm tăng nhu cầu đi lại, du lịch, tạo kế sinh nhai cho dân chúng. Còn tại Australia, mỗi công dân đang hoạt động trong ngành lữ hành được hỗ trợ ít nhất 200 đô-la Australia mỗi tháng kể từ tháng sáu, chưa kể các chiến dịch khuyến khích đam mê du lịch trên toàn quốc. Chính phủ nói họ sẽ làm mọi thứ để không doanh nghiệp lữ hành nào phải phá sản vì Covid-19. Ở Hàn Quốc, từ tháng năm, chính phủ đã chi trả đến 90% lương cơ bản cho những người đang hoạt động trong ngành du lịch.
Người bạn là hướng dẫn viên du lịch tại Seoul nhắn cho tôi: "mừng quá, tiền đã về sau bốn ngày đăng ký trợ cấp thất nghiệp". Tiền được chuyển thẳng vào tài khoản, cầm cuốn sổ xác nhận gửi về tận nhà mà bạn tôi bảo mừng như nhận được sổ gạo thời bao cấp. Cậu được nhận trợ cấp 60 nghìn Won (khoảng 1,2 triệu đồng) mỗi ngày, cho 240 ngày, tính từ 1/5 đến 31/12/2020. "Có thêm 240 ngày thong dong, yên tâm chờ qua dịch thôi bạn", tin nhắn chia vui mà khiến tôi chạnh lòng.
Tự thân các doanh nghiệp chúng tôi có thể cùng nhau "tự kích cầu" một lần nữa. Tự mình đứng lên dù biết một cánh én nhỏ khó làm nên mùa xuân. Biết là gian nan, nhưng không hành động thì sao có kết quả? Chỉ có điều, kết quả sẽ mau chóng và quý giá hơn nếu chúng tôi biết người làm chính sách nghĩ tới mình trong tầm nhìn bền vững của ngành công nghiệp không khói trị giá nhiều tỷ đô mà Việt Nam chưa bao giờ khai thác hết.
Nguyễn Trần Hoàng Phương
Báo vnexpress
Link: https://vnexpress.net/dua-con-roi-4198363.html